Trẻ bị chảy máu mũi – nguyên nhân và cách xử lý
Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam. Đây là tình trạng máu chảy từ niêm mạc mũi ra mũi trước hoặc chảy ra mũi sau, xuống họng. Hiện tượng này thường xuất hiện thường ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3 – 8 tuổi.
Phần lớn chảy máu cam chỉ gây khó chịu chút ít. Trẻ có thể bị vài đợt trong vài tuần. Rất hiếm khi trẻ mất máu tới mức gây thiếu máu. Nếu được điều trị đúng, phần lớn sẽ hồi phục và không bị ảnh hưởng lâu dài.
Chảy máu cam thường được chia thành 2 nhóm:
Chảy máu mũi trước: 90%, dễ kiểm soát tại nhà hoặc cơ sở y tế.
Chảy máu mũi sau: Ít gặp hơn, nên được khuyến cáo nhập viện để được can thiệp bởi bác sĩ tai mũi họng.
Cách xử lý chảy máu cam ở trẻ em
Bước 1: Xác định bên mũi chảy máu
Trẻ nhỏ thường chảy máu cam một bên mũi. Tuy nhiên, khi bị chảy máu, trẻ thường có phản ứng dụi mũi khiến khó phân biệt máu cam chảy ra từ bên nào. Vì vậy, các mẹ khi phát hiện con bị chảy máu cam, tuyệt đối không để bé dụi mũi tiếp. Sau khi lau sạch mũi, mẹ hãy đặt đầu trẻ hơi cúi về phía trước để máu chảy ra và các mẹ sẽ nhận ra bên mũi nào chảy máu. Đồng thời, tư thế này khiến máu cam không chảy ngược về phía họng, hạn chế nôn ói.
Bước 2: Cách cầm máu mũi ở trẻ em
Lấy ngón tay đè lên cánh mũi trẻ, hơi cúi đầu trẻ một chút. Lưu ý, không bóp phần xương sống mũi hay chỉ ấn một bên cánh mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu mà còn làm trẻ bị đau. Bên cạnh đó, cũng không được thả tay ra quá sớm hoặc nhiều lần vì có thể khiến máu chảy kéo dài hơn do chưa thể hình thành được cục máu đông ngăn cản máu chảy.
Bước 3: Chăm sóc sau chảy máu cam cho trẻ
- Để trẻ nghỉ ngơi ở trạng thái tĩnh trong vòng 2 giờ (hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, vẽ tranh hay xem tivi).
- Nếu máu cam vẫn tiếp tục chảy và bị chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng cho máu cam chảy ra ngoài.
- Lưu ý không để trẻ nuốt máu này vì rất có thể trẻ sẽ bị ngộ độc, nôn mửa, đau bụng và khó chịu.
- Không cho trẻ uống đồ nóng, thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu cam.
- Động viên trẻ không ngoáy mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ (1 tuần nếu trẻ đã được ‘đốt’ điểm mạch).
- Trong vòng 1 tuần, trẻ cần tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh nhấc vật nặng.
- Nếu trẻ bị táo bón thì cho uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Nếu cần thì yêu cầu bác sĩ cho thuốc làm mềm phân để trẻ không phải rặn.
Nếu bóp mũi rồi mà trẻ vẫn không ngừng chảy máu
Nếu các biện pháp sơ cứu trên không mang lại hiệu quả, máu mũi tiếp tục chảy. Cần đến các cơ sở y tế để:
- Bác sĩ kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu.
- Bôi thuốc mỡ cầm máu vào bên trong mũi của trẻ.
- Dùng nitrat bạc hoặc các hóa chất khác để ‘đốt’ các mạch máu.
- Áp dụng thủ thuật nhét bấc mũi.
- Kê đơn kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Với các trường hợp chảy máu nặng, trẻ có thể cần làm xét nghiệm máu để xác định lượng máu bị mất.
Trẻ em chảy máu cam có nguy hiểm không
Chảy mũi (máu cam) khá thường gặp ở trẻ em (30% trẻ dưới 5 tuổi và 56 % trẻ từ 6 -10 tuổi có chảy máu mũi ít nhất 1 lần/ năm). Chảy máu mũi là hiện tượng bình thường khi cơ thể của bé quá nóng, thiếu vitamin C hoặc do những va chạm vật lý.
Bạn nên đưa bé đi khám nếu bé bị chảy máu mũi như sau:
-
- Chảy máu cam sau khi bé bị ngã hoặc do bị va đập vào vùng đầu hoặc vùng mũi.
- Bé bị mất máu khá nhiều máu do chảy máu cam. Ngay khi bạn nhận thấy việc cầm máu cho bé không thành công, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.
- Vừa chảy máu mũi, bé vừa bị chảy máu ở bộ phận khác trên cơ thể (chẳng hạn ở lợi, đôi khi xuất hiện máu trong phân, nước tiểu..)
- Mặt khác, cha mẹ cũng có thể đưa con đi khám nếu bé bị chảy máu cam thường xuyên. Vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm như rối loạn đông chảy máu, hay khối u mũi (có thể là u lành hoặc u ác), …
Nguyên nhân chảy máu mũi ở trẻ em
Chảy máu cam có thể do nguyên nhân vật lý (nguyên nhân tại chỗ) hoặc nguyên nhân bệnh lý (liên quan đến vùng tai mũi họng). Tùy từng nguyên nhân, cần có cách xử trí phù hợp khi trẻ bị chảy máu cam.
Bé bị chảy máu cam do tác động vật lý
- Thời tiết hanh khô, sử dụng điều hòa, máy lạnh, máy sưởi trong thời gian dài khiến mạch máu trong mũi bị vỡ, gây chảy máu.
- Trẻ ngoáy mũi quá sâu và mạnh, làm tổn thương các mạch máu trong mũi.
- Trẻ gãi, cào hoặc vô tình đưa (nhét) dị vật vào sâu trong mũi.
- Trẻ bị va chạm mạnh vào mũi trong quá trình vui chơi, chạy nhảy,…
- Trẻ hắt hơi và xì mũi quá mạnh.
- Vách ngăn mũi bị vẹo (đây là nơi tập trung của nhiều mạch máu nhỏ, nông nên khi vách ngăn bị vẹo, bề mặt vách ngăn trở nên khô hơn, dễ gây chảy máu mũi).
Có thể trẻ em hay bị chảy máu cam là do bệnh lý
Các bệnh dễ dẫn đến chảy máu cam thường gặp như:
- Hiện tượng dị ứng, nhiễm trùng ở mũi, họng và xoang.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc xịt mũi.
- Các khối u (cả lành tính và ác tính) ở vùng tai mũi họng. Tuy nhiên, nguyên nhân này rất hiếm gặp.
- Gãy xương mũi, vỡ nền sọ do chấn thương cũng có thể gây chảy máu mũi. Tuyệt đối không chủ quan trong những trường hợp này.
- Trẻ mắc một số bệnh liên quan đến huyết học như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, các bệnh về máu gây giảm tiểu cầu (suy tuỷ xương, lơ xê mi cấp,…).
Thuốc chữa chảy máu cam ở trẻ em
Vitamin C giảm chảy máu cam ở trẻ
Vitamin C là một dưỡng chất giúp tăng sinh collagen trong cơ thể. Collagen có vai trò quan trọng trong việc củng cố sự bền vững của thành mạch máu. Ngăn ngừa sự vỡ mạch khi có các tác nhân tấn công. Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin C, lượng collagen cũng bị suy giảm. Từ đó, các mạch máu bị suy yếu và trở nên dễ tổn thương. Sẽ dẫn đến tình trạng giãn mao mạch, chảy máu cam hoặc chảy máu ở chân răng…
Vaselin
Bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi giúp giữ ẩm, giảm nguy cơ vỡ mạch. Số lần bôi tùy vào từng trẻ. Nếu bé thường xuyên chảy máu mũi thì cần bôi 2 lần mỗi ngày cho tới khi không còn chảy máu cam trong vài ngày liên tục. Các trường hợp khác có thể bôi khi thấy có nhu cầu.
Nước muỗi sinh lý
Việc xịt rửa mũi bằng dung dịch vệ sinh mũi dạng vòi xịt phun sương là cách hiệu quả để phục hồi và tăng cường sức khỏe niêm mạc. Khi sử dụng xịt rửa mũi sẽ khiến cho đường thở trở nên thông thoáng hơn. Đảm bảo giữ độ ẩm an toàn cho mũi. Đặc biệt, với người thường xuyên ở trong môi trường điều hòa, nên xịt mũi bằng nước muối sinh lý từ 3 – 6 lần để đảm bảo niêm mạc mũi ẩm. Giúp không bị khô mũi mùa hanh khô và vừa an toàn, vừa đảm bảo sức khỏe.
Kháng sinh
- Có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh vào bên trong mũi trong vòng 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Bác sĩ cũng có thể kê đơn kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
Thuốc co mạch giúp giảm chảy máu mũi
Thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào lỗ mũi bị tổn thương
Phòng ngừa hiệu quả chứng chảy máu cam ở trẻ em
- Giữ cho niêm mạc mũi được ẩm.
- Có thể bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi.
- Cho trẻ uống đủ nước.
- Tránh chấn thương vùng vách ngăn mũi.
- Dùng máy phun sương làm ẩm không khí. Chú ý làm vệ sinh máy thường xuyên.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc.
- Sử dụng các loại máy tạo độ ẩm, máy phun nước sẽ giữ độ ẩm trong phòng
- khi thời tiết lạnh hay điều hòa lạnh. Máy phun sương tạo độ ẩm cho môi trường xung quanh và giúp giảm các triệu chứng kích thích trong mũi. làm giảm độ khô mũi mùa hanh khô.
- Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, ngạt mũi hay dị ứng mũi.